Bản tin Tháng 02/2022
Hướng dẫn việc ghi nhãn hàng hóa
Ngày 10/02/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 408/TCHQ-GSQL về việc ghi nhãn hàng hóa. Theo đó hướng dẫn việc ghi nhãn hàng hóa đối với từng loại hàng hóa như sau:
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước và hàng quà biếu, quà tặng: Việc ghi nhãn được thực hiện theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, không thể hiện được các nội dung bắt buộc trên hàng hóa: Trên bao bì thương phẩm của hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn và nhãn phải thể hiện các nội dung bắt buộc theo quy định tại mục 2 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP.
Hình thức kiểm tra và cách thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài
Ngày 14/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BKHĐT (“Thông tư 02”) hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022, thay thế Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT, trong đó có số nội dung đáng chú ý như sau:
- Thông tư 02 quy định 03 hình thức kiểm tra hoạt động đầu tư nước ngoài, bao gồm: kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp kiểm tra đột xuất khi “có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và dự án có vốn đầu tư nước ngoài” đã được bổ sung tại Thông tư này.
- Cách thức kiểm tra đã được giảm từ 06 cách thức quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BKHDT còn 03 cách thức tại Thông tư mới qua: (i) Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; (ii) Báo cáo; (iii) Tổ chức đoàn kiểm tra, đoàn công tác.
Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực
Ngày 18/02/2022, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (“RCEP”) . Theo đó, một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Quy định về cách xác định xuất xứ hàng hóa:
+ Nước xuất xứ là nước thành viên nơi hàng hóa đáp ứng quy định của Thông tư này;
+ Hàng hóa được sản xuất tại một nước thành viên chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ của một hay nhiều nước thành viên thì nước xuất xứ của hàng hóa là nước thành viên xuất khẩu với điều kiện quá trình sản xuất hàng hóa đó vượt qua công đoạn gia công, chế biến đơn giản;
+ Hàng hóa thuộc danh mục áp dụng khác biệt thuế có quy tắc xuất xứ bổ sung theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này, nước xuất xứ của hàng hóa là nước thành viên xuất khẩu với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hoá và Hàm lượng giá trị nội địa (DVC) không thấp hơn 20%;
+ Trường hợp nước thành viên xuất khẩu không được xác định là nước xuất xứ theo các quy định trên, nước xuất xứ là nước thành viên có tổng trị giá cao nhất các nguyên liệu có xuất xứ được dùng để sản xuất ra hàng hóa tại nước thành viên xuất khẩu.
- Quy định về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa:
+ Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có C/O được cấp theo quy định Thông tư này;
+ Hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp một trong các chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa: C/O, Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.
- Quy định “Danh mục hàng hóa áp dụng khác biệt thuế có điều kiện” do một số nước trong khối RCEP áp dụng mức thuế suất nhập khẩu khác nhau cho cùng một mặt hàng đối với các nước đối tác.
Cách xác định mã số HS đối với hàng hóa nhập khẩu để được hưởng mức thuế GTGT là 8%
Ngày 18/02/2022, Tổng cục Hải quan có Công văn số 521/TCHQ-TXNK hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP về giảm thuế giá trị gia tăng (“GTGT”). Theo đó, đối với Phụ lục I và Phụ lục III (kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP), Công văn hướng dẫn trường hợp hàng hóa xác định mã số HS là:
- Chương (02 chữ số), không chi tiết nhóm (04 chữ số), phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc chương đó áp dụng thuế GTGT 10%;
- Chương (02 chữ số), có chi tiết đến nhóm (04 chữ số), không chi tiết phân nhóm (06 chữ số) hoặc mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%;
- Chương (02 chữ số), có chi tiết đến phân nhóm (06 chữ số), không chi tiết mã số (08 chữ số) thì toàn bộ mã hàng 08 chữ số thuộc phân nhóm đó áp dụng thuế GTGT 10%;
- Chương (02 chữ số), có chi tiết đến mà HS 08 chữ số thì chỉ mã hàng 08 chữ số đó áp dụng thuế GTGT 10%.
Các trường hợp hàng hóa nhập khẩu còn lại không được nêu tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT (Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP), thì áp dụng thuế GTGT 8%.
--------------------
Bản tin này chỉ cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan và không phải là ý kiến tư vấn chính thức của chúng tôi. Nếu quý công ty cần thêm thông tin cụ thể về vấn đề này hoặc hỗ trợ chuyên môn của chúng tôi cho các trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.
Lương Thái Anh │ Giám đốc/Luật sư Điều hành