Bản tin Tháng 02/2024
Ngày 04/4/2024
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án trong khu công nghệ cao
Ngày 01/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2024/NĐ-CP quy định về khu công nghệ cao. Theo đó, ghi nhận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao như sau:
- Khu công nghệ cao là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Do đó, khi đáp ứng thêm một số điều kiện trong các luật chuyên ngành, các dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng) có thể được hưởng các ưu đãi đầu tư như sau:
+ Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 15 năm; miễn thuế TNDN tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp tối đa không quá 09 năm tiếp theo.
+ Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất;
+ Miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; hoặc Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản (tối đa không quá 03 năm), miễn tiền thuê đất 15 năm sau thời gian miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản;
+ Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
- Các dự án đầu tư và các hoạt động tại khu công nghệ cao được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ về đào tạo, tuyển dụng lao động; chương trình hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ; chương trình hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.
Điều chỉnh quy định về phương pháp định giá đất
Ngày 05/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, từ ngày 05/02/2024, tùy trường hợp mà 01 trong 04 phương pháp định giá đất sau sẽ được UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện áp dụng làm căn quyết định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất:
(i) Phương pháp so sánh: được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.
(ii) Phương pháp thu nhập: được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.
(iii) Phương pháp thặng dư: được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
(iv) Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất: được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.
Sửa đổi thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài
Ngày 07/02/2024, Chính Phủ ban hành Nghị định số 14/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương (“Nghị định 14”). Theo đó, sửa đổi một số quy định trong thủ tục cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện (“VPĐD”) tại Việt Nam của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài như sau:
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép thành lập VPĐD tại Việt Nam: Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi dự kiến đặt trụ sở của VPĐD.
- Hình thức nộp hồ sơ: Ngoài hình thức gửi qua dịch vụ bưu chính và nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép, Nghị định 14 bổ sung cách thức nộp trực tuyến các thành phần hồ sơ điện tử có giá trị pháp lý qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.
- Ghi nhận 02 trường hợp được cấp lại Giấy phép thành lập VPĐD của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài bao gồm:
+ Giấy phép thành lập VPĐD bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác;
+ Thay đổi địa điểm đặt trụ sở VPĐD sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
- Các trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập VPĐD:
+ Nghị định 28/2018/NĐ-CP chỉ quy định các trường hợp thu hồi Giấy phép thành lập VPĐD bao gồm: Không chính thức đi vào hoạt động trong thời gian 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập; Ngừng hoạt động 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan cấp Giấy phép thành lập; Không hoạt động đúng chức năng của VPĐD; Vi phạm pháp luật về lao động của Việt Nam đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Nghị định 14 bổ sung 02 trường hợp như sau:
o Có bằng chứng cho thấy Văn phòng đại diện tổ chức thực hiện hoặc tham gia hoặc tài trợ cho các hoạt động gây phương hại đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội và trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam;
o Cơ quan cấp Giấy phép nhận được thông báo chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài thuộc danh sách bị áp dụng các biện pháp trừng phạt theo các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Nguyên tắc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu đối với 08 nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi
Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu. Theo đó, nguyên tắc ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu được thực hiện như sau:
(i) Nhà thầu được hưởng nhiều hơn một loại ưu đãi trong đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc trong đánh giá về tài chính thì khi tính ưu đãi chỉ được hưởng một loại ưu đãi có lợi nhất cho nhà thầu tương ứng với từng nội dung đánh giá về năng lực và kinh nghiệm hoặc đánh giá về tài chính.
(ii) Trường hợp tất cả các nhà thầu tham dự thầu đều được hưởng ưu đãi như nhau hoặc tất cả các nhà thầu đều không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi thì không cần tính ưu đãi để so sánh, xếp hạng.
(iii) Đối với gói thầu hỗn hợp, việc tính ưu đãi căn cứ tất cả các đề xuất của nhà thầu trong các phần công việc tư vấn, cung cấp hàng hóa, xây lắp. Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi có đề xuất chi phí trong nước (chi phí tư vấn; phi tư vấn; hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; xây lắp) từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu.
(iv) Nhà thầu phải chứng minh nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ do nhà thầu chào thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi, gồm:
- Hàng hóa có xuất xứ Việt Nam;
- Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam phù hợp với hồ sơ mời thầu;
- Nhà thầu nước ngoài liên danh với nhà thầu trong nước mà nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% trở lên giá trị công việc của gói thầu;
- Nhà thầu trong nước tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh với nhà thầu trong nước khác khi tham dự đấu thầu quốc tế;
- Nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật;
- Nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.
Bãi bỏ 02 Thông tư về đăng ký biện pháp bảo đảm từ ngày 01/02/2024
Ngày 01/02/2024, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BTP bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp bảo đảm. Theo đó, nhằm mục đích để thống nhất với Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, Bộ Tư pháp bãi bỏ toàn bộ các thông tư sau đây kể từ ngày 01/02/2024:
(i) Thông tư số 01/2019/TT-BTP ngày 17/01/2019 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển. Thông tư này hướng dẫn về các trường hợp đăng ký và biểu mẫu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; kê khai thông tin trên phiếu yêu cầu đăng ký và ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển vào sổ đăng ký.
(ii) Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thông tư này quy định cụ thể một số quy định về đăng ký, từ chối đăng ký, biểu mẫu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022.
--------------------
Bản tin này chỉ cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan và không phải là ý kiến tư vấn chính thức của chúng tôi. Nếu quý công ty cần thêm thông tin cụ thể về vấn đề này hoặc hỗ trợ chuyên môn của chúng tôi cho các trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.