Bản tin Tháng 02/2025
Ngày 21/3/2025
Lĩnh vực được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt
Ngày 10/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt. So với thủ tục đầu tư thông thường, thủ tục này lược bỏ yêu cầu thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt, cấp phép về chấp thuận chủ trương, công nghệ, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần cam kết thực hiện và tuân thủ trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Quy định này cho phép nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt nếu thuộc lĩnh vực được áp dụng, cụ thể như sau:
(i) Dự án áp dụng
- Trừ các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế với mục tiêu của dự án thuộc các lĩnh vực sau đây:
+ Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn;
+ Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao.
(ii) Quyền lựa chọn theo quy định chuyển tiếp
- Đối với hồ sơ hợp lệ của các dự án đầu tư tại mục (i) đã được tiếp nhận trước ngày 15/01/2025 nhưng chưa trả kết quả:
+ Nhà đầu tư có quyền đề xuất lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt và nộp bổ sung các cam kết theo quy định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại một địa điểm đối với các dự án đầu tư quy định tại điểm c, d và đ khoản 5 Điều 29 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nếu nhà đầu tư được chấp thuận đề xuất lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thì nhà đầu tư nộp bổ sung cam kết và tài liệu có liên quan theo quy định để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Việc cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư tại mục (i) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày 15/01/2025 được thực hiện trong trường hợp nhà đầu tư lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với toàn bộ dự án đầu tư.
Trường hợp áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một phần hoặc giai đoạn của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định tại Nghị định này.
Một số điểm mới về giao dịch liên kết
Ngày 10/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2025/NĐ-CP (“Nghị định 20”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định 20 có hiệu lực từ ngày 27/3/2025 và được áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) năm 2024. Theo đó, Nghị định 20 ghi nhận một số nội dung thay đổi đáng chú ý như sau:
1. Các bên có quan hệ liên kết trong hoạt động bảo lãnh và cho vay
- Nghị định 20 chú trọng đến tổng dư nợ các khoản vốn vay giữa các bên liên kết thay vì chỉ tập trung vào khoản vốn vay như trước đây. Điều này có nghĩa là việc xác định mối quan hệ liên kết không chỉ dựa trên một khoản vay đơn lẻ, mà phải dựa trên tổng dư nợ của tất cả các khoản vay giữa hai bên.
- Nghị định 20 giới hạn việc xác định các bên liên kết trong hoạt động bảo lãnh hoặc cho vay. Cụ thể, bên bảo lãnh/bên cho vay là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được bảo lãnh/doanh nghiệp đi vay không được coi là các bên liên kết nếu không có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư.
- Đối với người nộp thuế có giao dịch vay vốn/bảo lãnh liên kết với tổ chức tín dụng theo Nghị định 132 (2020-2023) nhưng không còn đủ điều kiện là bên liên kết theo Nghị định 20 (từ năm 2024 trở đi), Nghị định 20 có quy định hỗ trợ chuyển tiếp chi phí lãi vay chưa được khấu trừ tính đến cuối năm 2023 sẽ được phân bổ đều chuyển sang các kỳ tính thuế còn lại tiếp theo để được khấu trừ trong các năm còn lại đó (Lưu ý: Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ).
2. Các bên có quan hệ liên kết khác
- Nghị định 20 bổ sung thêm một trường hợp được coi là các bên liên kết, đó là tổ chức tín dụng với công ty con hoặc công ty kiểm soát hoặc công ty liên kết của tổ chức tín dụng.
- Nghị định 20 bổ sung làm rõ mối quan hệ của doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia thì sẽ được xem xét là các bên liên kết. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo rằng các chi nhánh hạch toán độc lập cũng phải tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết nếu chịu sự điều hành, kiểm soát từ doanh nghiệp khác.
Điều kiện đăng ký tham gia thị trường điện đối với Đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch và Đơn vị mua buôn điện
Ngày 01/02/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 16/2025/TT-BCT quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó, Thông tư này quy định điều kiện đăng ký tham gia thị trường điện đối với Đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch và Đơn vị mua buôn điện như sau:
- Đối với Đơn vị phát điện trực tiếp giao dịch tham gia thị trường điện khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:
+ Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện còn hiệu lực;
+ Hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành các hệ thống: Hệ thống chào giá, hệ thống quản lý lệnh điều độ, hệ thống hỗ trợ thanh toán thị trường điện, hệ thống mạng kết nối thông tin nội bộ thị trường điện, hệ thống SCADA/EMS, hệ thống đo đếm điện năng và chữ ký số đáp ứng yêu cầu vận hành của thị trường điện và các yêu cầu khác theo quy định;
+ Hoàn thành ký kết hợp đồng mua bán điện và văn bản công nhận ngày vận hành thương mại của nhà máy điện;
+ Thỏa thuận thống nhất về đơn vị đại diện chào giá cho nhóm nhà máy thủy điện bậc thang (trong trường hợp Đơn vị phát điện là đại diện cho nhóm nhà máy thủy điện bậc thang).
- Đối với Đơn vị mua buôn điện tham gia thị trường điện khi đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Giấy phép hoạt động điện lực còn hiệu lực;
+ Đáp ứng các quy định về đo đếm điện năng tại các điểm đo đếm ranh giới giao nhận của đơn vị theo quy định;
+ Hoàn thành nghiệm thu đưa vào vận hành hệ thống thu thập số liệu đo đếm từ xa tại các vị trí đo đếm ranh giới trong phạm vi quản lý của đơn vị, hệ thống mạng kết nối thông tin nội bộ thị trường điện và chữ ký số.
Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động
Ngày 11/02/2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động. Việc phân loại lao động này nhằm mục đích đảm bảo thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động theo quy định của pháp luật. Theo đó, một số nội dung đáng chú ý có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2025 như sau:
- Điều kiện lao động được chia thành 06 loại gồm loại I, II, III, IV, V, VI dựa trên nhiều phương pháp (căn cứ việc đánh giá các nhóm yếu tố về vệ sinh môi trường lao động, tâm sinh lý lao động, Ecgônômi - tổ chức lao động và/hoặc căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc). Trong đó, 06 loại điều kiện lao động này được phân loại lao động như sau:
+ Loại I, II, III: nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm;
+ Loại IV: nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
+ Loại V, VI: nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động:
+ Phải kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định của pháp luật;
+ Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường lao động và kết quả phòng chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại để đánh giá việc cải thiện điều kiện lao động của các nghề, công việc đang áp dụng;
+ Trường hợp phát sinh nghề, công việc mới có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thực hiện đánh giá, xếp loại điều kiện lao động theo quy định để xác định loại điều kiện lao động của nghề, công việc đó.
Triển khai cung cấp thông tin số thuế thu nhập cá nhân đã nộp thay cho cá nhân
Ngày 25/02/2025, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 828/TCT-KK về việc triển khai cung cấp thông tin số thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) đã nộp thay cho cá nhân. Theo đó, Tổng cục Thuế triển khai việc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức chi trả thu nhập) khi nộp thuế TNCN đã khấu trừ của cá nhân là người lao động vào Ngân sách nhà nước thay cho người nộp thuế, thực hiện cung cấp thông tin về số thuế TNCN đã nộp thay cho từng cá nhân, cụ thể như sau:
- Phạm vi, đối tượng áp dụng: Tổ chức chi trả thu nhập nộp số thuế TNCN thay cho cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Thông tin thu thập: Số tiền thuế TNCN tổ chức chi trả thu nhập đã nộp thay cho từng cá nhân theo chứng từ nộp thuế TNCN, bao gồm:
+ Thông tin chung của chứng từ nộp Ngân sách nhà nước;
+ Thông tin chi tiết của từng cá nhân được khấu trừ nộp thay (Mã số thuế, tên người nộp thuế, số tiền thuế đã khấu trừ, số tiền đã nộp Ngân sách nhà nước, số thuế đã nộp thừa kỳ trước được bù trừ (nếu có)).
- Phương thức thu thập thông tin: Tổ chức chi trả thu nhập cung cấp thông tin tới cơ quan thuế nơi nộp hồ sơ khai thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Thời gian triển khai: Tổng cục Thuế đã nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc cung cấp thông tin của tổ chức chi trả thu nhập.
--------------------
Bản tin này chỉ cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan và không phải là ý kiến tư vấn chính thức của chúng tôi. Nếu quý công ty cần thêm thông tin cụ thể về vấn đề này hoặc hỗ trợ chuyên môn của chúng tôi cho các trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.