Bản tin Tháng 03/2020
Bổ sung một số quy định xử phạt hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội
Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với 01 hành vi vi phạm kỷ luật lao động;
- Phạt tiền từ 01-03 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động;
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Xem toàn văn Nghị định 28/2020/NĐ-CP tại đây.
Hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2014
Ngày 24/03/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh 2014. Một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Làm rõ các khái niệm: thị trường sản phẩm liên quan; hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau; thị trường địa lý liên quan,… có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thị trường liên quan và thị phần của các hành vi cạnh tranh.
- Quy định các trường hợp tập trung kinh tế phải thông báo, các trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện. Theo đó, các trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện bao gồm:
+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan;
+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800;
+ Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100;
+ Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020.
Xem toàn văn Nghị định số 35/2020/NĐ-CP tại đây.
Cơ cấu lại thời gian trả nợ và miễn, giảm lãi với khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Co-vid 19
Ngày 13/03/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Co-vid 19.
Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;
- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid – 19;
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 13/03/2020.
Xem toàn văn Thông tư 01/2020/TT-NHNN tại đây.
Hướng dẫn thanh tra với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Co-vid 19
Ngày 17/03/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Co-vid 19.
Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Co-vid 19 gây ra nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Xem toàn văn Công văn 860/BHXH-BT tại đây.
Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ngày 18/03/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Công văn số 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 06 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/06/2020 cho doanh nghiệp. Nếu sau thời điểm này dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.
Xem toàn văn Công văn 245/TLĐ tại đây.