Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi của các đối tượng có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt từ 300kg/ngày trở lên
Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Một số quy định đáng chú ý như sau:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 02 năm.
- Hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300 kg/ngày trở lên, trừ trường hợp hành vi vi phạm của hộ gia đình, cá nhân tại khoản 1 và hành vi của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường tại 2 Điều 26 Nghị định này, bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan
Ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu có trụ sở đăng ký hoạt động tại Việt Nam được cơ quan hải quan lựa chọn và tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình với vai trò thành viên khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc cập nhật thông tin theo quy định Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 và được cơ quan hải quan xác minh, cập nhật trên hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan.
+ Doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên 365 ngày và được cơ quan hải quan đánh giá cần khuyến khích nâng cao mức độ tuân thủ.
+ Doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp được cơ quan hải quan gửi văn bản mời tham gia Chương trình và tự nguyện đăng ký tham gia Chương trình.
- Chương trình được thực hiện theo 02 giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn thí điểm: thực hiện trong thời gian 02 năm kể từ khi ban hành;
+ Giai đoạn triển khai chính thức: Triển khai sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, tổ chức sơ kết 1 năm/1 lần, sau 05 năm Chương trình tổ chức tổng kết đo lường, đánh giá kết quả việc thực hiện các mục tiêu Chương trình và phương hướng triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
- Doanh nghiệp tham gia được cơ quan hải quan tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại biên bản ghi nhớ đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khi có yêu cầu; được hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và một số hỗ trợ khác.
Hướng dẫn về hỗ trợ lãi suất
Ngày 05/7/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn số 4593/NHNN-TD về việc giải đáp, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN liên quan đến việc hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, hướng dẫn như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh: Các khoản vay với mục đích để hoàn vốn tự có hoặc trả nợ cho bên thứ ba không được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
- Về nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ lãi suất:
+ Văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có đủ các nội dung tại khoản 1 Điều 23 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được xác định là một thỏa thuận cho vay.
+ Tại thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn trả nợ lãi, không có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả phát sinh từ khoản vay đang được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, và thể hiện việc đáp ứng các nguyên tắc, điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì được hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ kỳ thu lãi (không phụ thuộc vào tình trạng khoản vay khác và nhóm nợ CIC của khách hàng).
- Về thời hạn hỗ trợ lãi suất:
+ Trường hợp ngân hàng đã thu lãi, mà thời điểm thu lãi phát sinh trước ngày 20/5/2022 thì không thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các kỳ thu lãi đó.
+ Trường hợp thời điểm trả nợ lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ 20/5/2022 - 31/12/2023, sau khi xác định khách hàng thuộc đối tượng, đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất cho toàn bộ kỳ thu lãi.
Hướng dẫn triển khai vận hành hóa đơn, chứng từ điện tử
Ngày 12/7/2022, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2455/TCT-DNNCN về việc triển khai, vận hành hóa đơn, chứng từ điện tử. Theo đó, một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Việc sử dụng biên lai điện tử: Việc xây dựng định dạng chuẩn dữ liệu biên lai điện tử và quy trình thực hiện đang được tiến hành bởi Tổng cục Thuế. Trong thời gian này, các tổ chức vẫn tiếp tục sử dụng biên lai giấy đặt in, tự in, mua của cơ quan thuế hoặc biên lai điện tử theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính.
- Việc sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) điện tử: Tổ chức khấu trừ tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Nếu chưa kịp triển khai chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử, tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng chứng từ khấu từ thuế TNCN theo hình thức tự phát hành. Từ 01/7/2022, cơ quan thuế không tiếp tục bán chứng từ khấu trừ thuế TNCN do cơ quan thuế đặt in; đối với trường hợp đang còn tồn chứng từ khấu trừ mua của cơ quan thuế thì tiếp tục sử dụng.
--------------------
Bản tin này chỉ cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan và không phải là ý kiến tư vấn chính thức của chúng tôi. Nếu quý công ty cần thêm thông tin cụ thể về vấn đề này hoặc hỗ trợ chuyên môn của chúng tôi cho các trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.