Bản tin Tháng 10/2019
Ngày 20/09/2019 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung nổi bật về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Theo đó, thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử được xác định trong 4 trường hợp cụ thể sau:
- Đối với hồ sơ đăng ký thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế ;
- Đối với hồ sơ khai thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
- Đối với chứng từ nộp thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế;
- Đối với hồ sơ hoàn thuế điện tử: là ngày ghi trên Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế.
Thông tư có hiệu lực ngày 05/11/2019.
Hướng dẫn xử lý hóa đơn điện tử đã gửi người mua bị sai sót
Ngày 30/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Theo đó, hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế đã lập và gửi cho người mua mà phát sinh sai sót thì xử lý như sau:
- Trường hợp sai về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế:
- Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót;
- Người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 119 về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót;
- Không phải lập lại hóa đơn.
- Trường hợp sai về mã số thuế, về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế, hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng:
- Người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót;
- Người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04;
- Người bán lập HĐĐT mới, ký số, ký điện tử gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới.
Lưu ý: HĐĐT mới thay thế HĐĐT đã được cấp mã có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn ký hiệu mẫu số, ký hiệu hóa đơn… số hóa đơn..., ngày... tháng... năm”.
Thông tư 68/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp đối với hàng dệt may tối đa 04 năm
Ngày 30/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 19/2019/TT-BCT quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đó, áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may khi Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra có các nội dung sau:
- Sự gia tăng nhập khẩu tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng sản xuất trong nước của hàng dệt may bị điều tra từ một hay nhiều nước thành viên do kết quả hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP.
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng nhập khẩu trên đây gây ra.
Trong trường hợp này, biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may được áp dụng dưới hình thức tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày 14/01/2019, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.
Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp không vượt quá 02 năm và có thể gia hạn thêm tối đa 02 năm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ngày 08/10/2019, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Theo đó, chương trình bao gồm các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm đáp ứng hệ thống tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm:
- Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu và khả năng áp dụng các tiêu chí Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại các doanh nghiệp;
- Phổ biến, cung cấp thông tin;
- Tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn doanh nghiệp phát triển sản phẩm.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ở trong và ngoài nước.
Quyết định có hiệu lực ngày 01/12/2019.
Tiêu chí, điều kiện nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học
Ngày 09/10/2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 31/2019/QĐ-TTg về nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và thực hiện hoạt động gia công sửa chữa hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài. Theo đó, nêu rõ các tiêu chí, điều kiện nhập khẩu hàng hoá thuộc Danh mục trên phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Quyết định có hiệu lực ngày 09/10/2019.
Ban hành danh sách khoáng sản làm vật liệu xây dựng xuất khẩuNgày 10/10/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 05/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung Phụ lục của Thông tư 05/2018/TT-BXD ngày 29/6/2018 về hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Theo đó, thay thế phụ lục Phụ lục I về Danh mục, quy cách và chỉ tiêu kỹ thuật khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại Thông tư 05/2018 bằng một Phụ lục mới.
Thông tư có hiệu lực vào ngày 01/12/2019.
Điều chỉnh trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân
Ngày 15/10/2019, Bộ Công an ban hành Thông tư 48/2019/TT-BCA về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BCA ngày 04/03/2016 của Bộ Công an quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày ký.
Hồ sơ kiểm dịch thủy sản nhập khẩu
Ngày 22/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/12/2019.