Bản tin Tháng 12/2019
Ngày 25/11/2019, Quốc hội ban hành Luật số 51/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, cho phép người nước ngoài chuyển đổi mục đích thị thực trong 04 trường hợp sau:
- Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;
- Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
- Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2020.
Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng
Ngày 26/11/2019, Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán 2019.
Theo đó, công ty cổ phần muốn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng phải thỏa các điều kiện sau:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Ngoài ra, công ty đại chúng muốn bán thêm cổ phiếu ra công chúng phải thỏa điều kiện sau: Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
02 trường hợp từ chối đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất
Ngày 25/11/2019, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 07/2019/TT-BTP về việc hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai có thể từ chối việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong 02 trường hợp sau:
- Thông tin về bên thế chấp, tài sản thế chấp được kê khai trong hợp đồng thế chấp không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận; thông tin về bên thế chấp, tài sản thế chấp được kê khai trong Phiếu yêu cầu không phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận, trừ trường hợp đã khắc phục được thông tin sai trên Phiếu yêu cầu;
- Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự, Thừa phát lại của Văn phòng thừa phát lại có văn bản yêu cầu dừng, tạm dừng việc đăng ký thế chấp.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/01/2020.
Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương
Ngày 29/11/2019, Bộ Công thương ban hành Thông tư 36/2019/TT-BCT quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, bao gồm: sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 02 (phân loại theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007); sản phẩm, hàng hóa được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Theo đó, hàng hóa nhóm 02 phải công bố hợp quy theo quy định tại Chương III Thông tư này. Hàng hóa được quản lý theo tiêu chuẩn công bố phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hàng hóa, sản phẩm ngành công thương sẽ được quản lý chất lượng riêng theo từng nhóm (hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu) và từng công đoạn (sản xuất, lưu thông, sử dụng).
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2020 và thay thế Thông tư số 48/2011/TT-BCT ngày 30/12/2011.
Trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Ngày 29/11/2019, Bộ Công thương ban hành Thông tư 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo đó, các trường hợp được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức bao gồm:
- Hàng hóa trong nước không sản xuất được;
- Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được;
- Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;
- Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường;
- Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước;
- Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ quy định từ khoản 01 đến khoản 05 Điều 10 của Thông tư này phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS)
Ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 32/2019/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 04 Điều 04 và Phụ lục số 01-MP của Thông tư số 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm.
Theo đó, trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”) thì phải đáp ứng các yêu cầu mới như sau:
- CFS do nước xuất khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam cấp là bản chính, còn hạn (trước đây cho phép là bản sao, còn hạn).
- CFS phải có tối thiểu các thông tin theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương và Khoản 03 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ.
Trường hợp công bố sản phẩm mỹ phẩm được lưu hành và xuất khẩu từ các nước thành viên CPTPP thì không phải có CFS.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2020.
Tổng hợp các Văn bản hợp nhất của các Luật, Bộ luật ban hành năm 2019