Bản tin Tháng 3/2025
Ngày 18/4/2025
Trình tự tham gia mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng
Ngày 03/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2025/NĐ-CP quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Theo đó, Nghị định này quy định trình tự tham gia mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng như sau:
(i) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo/ Chủ đầu tư dự án phát điện năng lượng tái tạo thực hiện các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với dự án, công trình nguồn, lưới để bán điện trực tiếp cho Khách hàng sử dụng điện lớn tuân thủ quy định có liên quan.
(ii) Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện.
(iii) Khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện kết nối riêng:
(a) Báo cáo bằng văn bản về việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tới UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại địa phương bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính.
(b) Thông báo về việc ký kết hợp đồng mua bán điện với Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bằng văn bản tới Tổng công ty Điện lực, Công ty điện lực (hoạt động trên địa bàn) và Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện bằng phương thức gửi trực tiếp hoặc qua đường dịch vụ bưu chính.
Điều kiện và cơ chế ưu đãi đối với dự án phát triển điện năng lượng mới
Ngày 03/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Theo đó, dự án phát triển điện năng lượng mới được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi đáp ứng một số điều kiện nhất định.
1. Điều kiện hưởng ưu đãi:
(i) Dự án điện năng lượng mới được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hydrogen xanh và amoniac xanh;
(ii) Dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia;
(iii) Dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.
2. Cơ chế ưu đãi:
2.1. Cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển:
(i) Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 03 năm tính từ ngày khởi công xây dựng;
(ii) Giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển trong thời hạn 09 năm sau thời gian được miễn của thời gian xây dựng cơ bản;
(iii) Sau khi chấm dứt thời hạn quy định tại mục (ii) việc áp dụng ưu đãi được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm chấm dứt thời hạn.
2.2. Cơ chế miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất:
(i) Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nhưng không quá 03 năm tính từ ngày khởi công xây dựng;
(ii) Sau thời gian được miễn của thời gian xây dựng cơ bản, việc áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.
2.3. Cơ chế sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện Quốc gia trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, an toàn hệ thống điện trong từng thời kỳ (Không áp dụng cơ chế ưu đãi này trong trường hợp dự án không phát được sản lượng tối thiểu cam kết do nguyên nhân từ phía dự án hoặc do nhu cầu của phụ tải hoặc điều kiện kỹ thuật của hệ thống điện không tiêu thụ được hết sản lượng):
(i) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 70% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm, trừ trường hợp nhà đầu tư và bên mua điện có thỏa thuận khác;
(ii) Sau khi chấm dứt thời hạn quy định tại mục (i) việc áp dụng ưu đãi được thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm chấm dứt thời hạn.
Một số điểm mới về quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
Ngày 20/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Bổ sung đối tượng áp dụng: Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác đăng ký tự nguyện sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì thuộc đối tượng áp dụng quy định của Nghị định này.
- Sửa đổi, bổ sung thời điểm lập hóa đơn:
+ Đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán, chuyển nhượng tài sản công và bán hàng dự trữ quốc gia): Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
+ Đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu): Thời điểm lập hóa đơn do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
+ Đối với cung cấp dịch vụ: Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ (trừ đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: Kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng), thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.
- Sửa đổi, bổ sung thời điểm lập chứng từ:
+ Tại thời điểm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”), thời điểm thu thuế, phí, lệ phí, tổ chức khấu trừ thuế TNCN, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí, phải lập chứng từ, biên lai giao cho người có thu nhập bị khấu trừ thuế, người nộp các khoản thuế, phí, lệ phí.
+ Thời điểm ký số trên chứng từ là thời điểm tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế TNCN, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí điện tử sử dụng chữ ký số để ký trên chứng từ điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.
Giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ ngày 31/3/2025
Ngày 31/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, từ ngày 31/3/2025, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng được điều chỉnh giảm, cụ thể như sau:
- Đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản: Đùi gà đông lạnh giảm từ 20% xuống 15%; hạt dẻ cười (chưa bóc vỏ) giảm từ 15% xuống 5%; hạnh nhân giảm từ 10% xuống 5%; táo tươi giảm từ 8% xuống 5%; anh đào ngọt (cherry) giảm từ 10% xuống 5%; nho khô giảm từ 12% xuống 5%; ngô hạt giảm từ 2% xuống 0%; khô dầu đậu tương giảm từ 1-2% xuống 0%.
- Đối với ethanol (mã HS 2207.20.11 và 2207.20.19): Giảm từ 10% xuống 5%.
- Đối với khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG): Giảm từ 5% xuống 2%.
- Đối với các mặt hàng ô tô: Ô tô mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 giảm từ 64% xuống 50%; ô tô mã HS 8703.24.51 giảm từ 45% xuống 32%.
- Đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ: Các sản phẩm gỗ (nhóm 44.21) giảm từ 20-25% xuống 0%; ghế ngồi và các bộ phận của ghế ngồi, đồ nội thất bằng gỗ (nhóm 94.01 và 94.03) giảm từ 20-25% xuống 0%.
- Đối với ethane (mã HS 2711.19.00): Được bổ sung vào Chương 98 với thuế suất 0%.
Hỗ trợ DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt
Ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (“DNNVV”). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp Việt, bao gồm:
(i) Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho DNNVV, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.
(ii) Thúc đẩy triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh tế mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ), các ngành, lĩnh vực mới nổi (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí,...).
(iii) Hỗ trợ nâng cấp các DNNVV đạt tiêu chuẩn liên kết với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
(iv) Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; phát triển dịch vụ logistics, mở rộng vận tải hàng không, đường biển; tăng cường hội nhập quốc tế về dịch vụ và ký kết các hiệp định kinh tế số, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giảm tiền thuê đất năm 2024
Ngày 21/3/2025, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1567/NQ-UBTVQH15 (“Nghị quyết 1567”) về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.
Theo Nghị quyết 1567, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm triển khai chính sách này nhanh chóng, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất trong năm 2024.
Nghị quyết 1567 có hiệu lực kể từ ngày ký.
--------------------
Bản tin này chỉ cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan và không phải là ý kiến tư vấn chính thức của chúng tôi. Nếu quý công ty cần thêm thông tin cụ thể về vấn đề này hoặc hỗ trợ chuyên môn của chúng tôi cho các trường hợp cụ thể của doanh nghiệp, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng cảm ơn.