Ban hành Danh mục công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Ngày 03/06/2019, Bộ Khoa học và công nghệ ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BKHCN quy định Danh mục công nghệ hỗ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hướng dẫn chi tiết Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thuộc Danh mục ban hành kèm Thông tư này được xem xét hỗ trợ kinh phí mua bản quyền công nghệ đến 80% (không quá 300 triệu đồng/công nghệ); hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm từ 50% đến 70% kinh phí. Doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/07/2019.
Quy định về góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Ngày 26/06/2019, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2019/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, bổ sung căn cứ xác định mức vốn góp để nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam thực hiện góp vốn gồm:
- Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành);
- Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
- Hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư 06/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 06/09/2019.
Quy định mới về ghi nhãn hàng hóa
Ngày 20/5/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa. Nhưng phải bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
- Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định. Cụ thể phải thể hiện đầy đủ 03 nội dung sau: ngày sản xuất; ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt; hạn sử dụng.
Thông tư có hiệu lực ngày 01/01/2021.
Cắt giảm các thủ tục, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành
Ngày 31/07/2019, Bộ Công thương ban hành Quyết định 2314/QĐ-BCT về phương án cắt giảm thủ tục, danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thuong giai đoạn 2019 và định hướng đến 2021.
Theo đó, tiêu chí để cắt giảm các thủ tục, danh mục mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành như sau:
- Hàng hóa là nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm trung gian, bán thành phẩm nhập khẩu cho các cơ sở sản xuất thực phẩm căn cứ trên việc đánh giá, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm.
- Hàng hóa là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà có biện pháp quản lý khác đảm bảo mục đích quản lý nhà nước và có thể thay thế việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan.
- Hàng hóa là sản phẩm, thiết bị, máy móc mà không có tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 31/07/2019.
Bộ Tài chính ban hành 08 Thủ tục hành chính (TTHC) mới lĩnh vực Hải quan
Ngày 08/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1325/QĐ-BTC về công bố thủ tục hành chính mới, được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hải quan thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước.
Theo đó, Quyết định này ban hành 08 thủ tục hành chính mới được quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BTC ngày 16/04/2019, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục Hải quan bao gồm:
- Thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan đối với công chức Hải quan đã chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc;
- Thủ tục tạm dừng hoạt động đại lý làm Thủ tục Hải quan (TTHQ);
- Thủ tục chấm dứt hoạt động đại lý làm Thủ tục Hải quan (TTHQ);
- Thủ tục tiếp tục hoạt động đại lý làm Thủ tục Hải quan;
- Thủ tục cấp mã số nhân viên đại lý làm Thủ tục Hải quan;
- Thủ tục gia hạn mã số nhân viên đại lý làm Thủ tục Hải quan;
- Thủ tục cấp lại mã số nhân viên đại lý làm Thủ tục Hải quan;
- Thủ tục thu hồi mã số nhân viên đại lý làm Thủ tục Hải quan;
Ngoài ra, Quyết định này còn sửa đổi, bổ sung 02 Thủ tục Hải quan:
- Thủ tục công nhận hoạt động đại lý làm Thủ tục hải quan;
- Thủ tục thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai Hải quan.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 05/08/2019.
Hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
Ngày 08/08/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48/2019/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Theo đó, một trong những điểm đáng lưu ý về việc trích lập các khoản dự phòng là dự phòng giảm giá hàng tồn kho:
- Đối tượng lập dự phòng phòng gồm nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hóa, hàng mua đang đi đường, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, thành phẩm mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện sau:
- Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính hoặc các bằng chứng hợp lý khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.
- Là hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
- Mức trích lập dự phòng được tính theo công thức sau: Mức trích lập dự phòng = Lượng hàng tồn kho thực tế tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm x (Giá gốc hàng tồn kho theo sổ kế toán – Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho)