Biện pháp bảo đảm là các cách thức, giải pháp được các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng hay thỏa thuận. Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong giao dịch bảo đảm, việc đăng ký biện pháp bảo đảm (“đăng ký”) là cần thiết nhằm xác lập cơ chế cho việc cơ quan đăng ký ghi, cập nhật vào Sổ đăng ký hoặc vào Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc của người khác hoặc đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình và của người khác đối với bên nhận bảo đảm. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 (“Nghị định 99”) thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 với một số nội dung mới đáng chú ý như sau:
1. Trường hợp đăng ký
Các trường hợp đăng ký bao gồm:
- Đăng ký thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lưu quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan;
- Đăng ký theo thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, trừ cầm giữ tài sản;
- Đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ mà có nhiều bên cùng nhận bảo đảm hoặc trong trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận;
- Đăng ký thay đổi nội dung đã được đăng ký (“đăng ký thay đổi”); xóa đăng ký nội dung đã được đăng ký đối với 03 trường hợp trên.
Lưu ý: Đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng chứng khoán đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định pháp luật về chứng khoán. Nếu không có quy định thì thực hiện theo quy định liên quan đến đăng ký bằng động sản không phải là tàu bay, tàu biển tại Nghị định 99.
2. Hiệu lực của đăng ký
Hiệu lực của đăng ký được xác định như sau:
- Tùy thuộc vào từng loại tài sản bảo đảm mà thời điểm có hiệu lực của đăng ký được quy định khác nhau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 99.
- Thời hạn có hiệu lực của đăng ký được tính từ thời điểm có hiệu lực của đăng ký đến thời điểm xóa đăng ký.
- Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc đăng ký đối với nghĩa vụ tiếp theo không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của đăng ký đối với nghĩa vụ đã được đăng ký trước đó.
3. Một số lưu ý về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm
- Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện qua 03 cách thức sau (i) qua hệ thống đăng ký trực tuyến; (ii) nộp bản giấy trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính; (iii) qua thư điện tử. Trên tinh thần cải cách, chuyển đổi số các thủ tục hành chính, Nghị định 99 đã bổ sung quy định chi tiết về trình tự đăng ký trực tuyến nhằm tạo cơ sở áp dụng trên thực tiễn và giúp người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận.
- Cùng với sự thay đổi linh hoạt của các giao dịch trên thực tế thì nhu cầu đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm phát sinh ngày càng đa dạng. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, Nghị định 99 đã có sự kế thừa và bổ sung so với Nghị định 102/2017/NĐ-CP bằng việc ghi nhận 08 căn cứ đăng ký thay đổi và bổ sung một số hướng dẫn chi tiết về thủ tục.
4. Quy định chuyển tiếp khi thực hiện Nghị định 99
- Nghị định 99 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2023. Riêng đối với việc thực hiện thủ tục đăng ký trực tuyến chứng khoán đăng ký tập trung, cấp tài khoản đăng ký trực tuyến, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc lĩnh vực đăng ký đối với động sản không phải là tàu bay, tàu biển, chứng khoán đã đăng ký tập trung có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024; thuộc lĩnh vực đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng khu vực biển, tài sản gắn liền với khu vực biển, tàu bay, tàu biển có hiệu lực từ thời điểm được quy định tại pháp luật về đất đai, về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, về hàng không hoặc pháp luật về hàng hải.
- Biện pháp bảo đảm được xác lập trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực thi hành mà chưa đăng ký nhưng hợp đồng bảo đảm vẫn còn hiệu lực thì đăng ký theo quy định của Nghị định 99. Biện pháp bảo đảm đã được đăng ký trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực thi hành thì không phải đăng ký lại.
- Kể từ ngày Nghị định 99 có hiệu lực thi hành mà đăng ký thay đổi, xóa đăng ký, chỉnh lý thông tin có sai sót trong nội dung đã được đăng ký, đăng ký thông báo xử lý tài sản bảo đảm hoặc hủy đăng ký đối với biện pháp bảo đảm này thì thực hiện theo quy định của Nghị định 99.
-------------------------
Ấn phẩm này cung cấp thông tin chung về các vấn đề liên quan, không được xem như tư vấn chuyên môn của chúng tôi. Nếu Quý vị cần thêm thông tin về vấn đề này hoặc cần hỗ trợ chuyên môn cho các trường hợp cụ thể, vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Trân trọng.