Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực điện lực
Trong quá trình thực hiện các hoạt động và giao dịch trong lĩnh vực điện lực, các bên có thể gặp phải các tranh chấp phát sinh, dẫn đến nhu cầu được thông tin và lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi và mối quan hệ giữa các bên. Ngoài các phương thức giải quyết tranh chấp thông dụng như thương lượng, tố tụng dân sự tại Tòa, tố tụng trọng tài, do thuộc lĩnh vực đặc thù nên các tranh chấp trong lĩnh vực điện lực còn có thể được giải quyết tại Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, với trình tự thủ tục đặc biệt như sau:
1. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp
(i) Cục Điều tiết điện lực – cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực điều tiết hoạt động điện lực;
(ii) Sở Công Thương - cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực.
2. Đối tượng tranh chấp
(i) Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ giữa các đơn vị điện lực trừ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài; và
(ii) Tranh chấp khác trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
3. Điều kiện thụ lý giải quyết
Điều kiện thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp như sau:
(i) Vụ việc còn trong thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày xảy ra hành vi mà một trong các bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp bất khả kháng.
(ii) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực;
(iii) Vụ việc chưa được tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại;
(iv) Các bên đã tiến hành đàm phán để tự giải quyết tranh chấp;
(v) Các bên có thỏa thuận đề nghị Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp.
4. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp
- Khi có tranh chấp xảy ra, các bên trong tranh chấp phải tiến hành đàm phán để tự giải quyết trong thời hạn 60 ngày.
- Trường hợp tự thương lượng, đàm phán không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.
- Không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; xác minh hoàn thiện hồ sơ. Nếu từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương tổ chức họp hòa giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp. Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, việc tổ chức họp hòa giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
5. Quyết định giải quyết tranh chấp
Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền gồm Sở Công Thương và Cục Điều tiết điện lực, ra Quyết định giải quyết tranh chấp (“Quyết định”), như sau:
- Sử dụng các tài liệu, chứng cứ do các bên trong tranh chấp hoặc các bên có liên quan cung cấp chỉ cho việc giải quyết tranh chấp, bảo mật thông tin theo đề nghị của bên cung cấp và lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
- Kết luận khách quan trên cơ sở hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp và chứng cứ của các bên cung cấp trong quá trình giải quyết tranh chấp;
- Tôn trọng thỏa thuận không trái pháp luật và quyền tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp trong suốt quá trình giải quyết;
- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền giải quyết, phải thông báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các bên có trách nhiệm thi hành Quyết định này theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu một trong các bên không đồng ý với Quyết định thì có quyền tương ứng với các đối tượng tranh chấp như sau:
- Đối với các tranh chấp khác liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ: Quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Đối với các tranh chấp trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực: Quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Như vậy, trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong lĩnh vực điện lực, các bên có thể cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tại Sở Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương để đảm bảo tranh chấp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chuyên môn về điện lực tiếp nhận và giải quyết chính xác và công bằng.
Cơ sở pháp lý:
· Luật Điện lực ngày 03/12/2004;
· Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20/11/2012;
· Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
· Thông tư số 40/2010/TT-BCT ngày 13/12/2010 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực;
· Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện; Thông tư số 31/2018/TT-BCT ngày 05/10/2018 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày 31/10/2013 quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện