Nghĩa vụ định kỳ báo cáo hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)
Ngày 24/3/2025
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện một số loại báo cáo định kỳ. Do đó, doanh nghiệp FDI cần nhận diện và thực hiện các loại báo cáo này để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
1. Báo cáo về đầu tư
1.1. Báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam: gồm báo cáo quý và báo cáo năm
- Thời hạn báo cáo:
+ Báo cáo quý: trước ngày 10 của tháng đầu quý sau quý báo cáo;
+ Báo cáo năm: trước ngày 31 tháng 3 năm sau của năm báo cáo.
- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn.
- Hệ quả pháp lý của việc không hoặc chậm thực hiện: doanh nghiệp FDI không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc báo cáo không đúng thời hạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện chế độ báo cáo.
1.2. Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư: gồm báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm
- Thời hạn báo cáo:
+ Báo cáo 6 tháng: trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
+ Báo cáo hằng năm: trước ngày 10 tháng 02 năm sau.
- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đầu mối thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư của địa phương nơi thực hiện dự án đầu tư.
- Hệ quả pháp lý của việc không hoặc chậm thực hiện: doanh nghiệp FDI có hành vi (i) lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư không đúng thời hạn, (ii) không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định trong trường hợp không thực hiện.
2. Báo cáo về tài chính
2.1. Báo cáo thuế: gồm báo cáo tháng, quý, năm tùy từng loại thuế
- Thời hạn báo cáo:
+ Báo cáo tháng: chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế;
+ Báo cáo quý: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế;
+ Báo cáo năm: chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm. Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.
- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Hệ quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ báo cáo:
+ Doanh nghiệp FDI nộp báo cáo thuế quá thời hạn quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
· Từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ: phạt cảnh cáo;
· Từ 01 ngày đến 30 ngày: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
· Từ 31 ngày đến 60 ngày: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
· Từ 61 ngày đến 90 ngày hoặc từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp: phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
· Trên 90 ngày, có phát sinh số thuế phải nộp nhưng đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp trước thời điểm công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm bị lập biên bản về hành vi chậm nộp: phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Đồng thời, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp đủ số tiền chậm nộp (nếu có).
+ Doanh nghiệp FDI không nộp báo cáo thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
· Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
· Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp báo cáo thuế theo quy định.
2.2. Báo cáo tài chính năm
- Thời hạn báo cáo: chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm đối với doanh nghiệp FDI là công ty hợp danh. Chậm nhất là 90 ngày đối với doanh nghiệp FDI thuộc các loại hình doanh nghiệp khác.
- Cơ quan tiếp nhận: (i) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp FDI đăng ký trụ sở kinh doanh chính; (ii) cơ quan thuế quản lý trực tiếp; (iii) cơ quan thống kê; (iv) cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Hệ quả pháp lý của việc không hoặc chậm thực hiện:
+ Doanh nghiệp FDI không lập báo cáo tài chính năm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
· Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;
· Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng quy định.
+ Doanh nghiệp FDI chậm nộp báo cáo tài chính so với thời hạn quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
· Trường hợp chậm nộp dưới 03 tháng: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
· Trường hợp chậm nộp từ 03 tháng trở lên: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
+ Doanh nghiệp FDI không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.3. Báo cáo giao dịch liên kết: doanh nghiệp FDI phát sinh giao dịch liên kết với các bên có quan hệ liên kết theo quy định có trách nhiệm nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (sau đây gọi chung là báo cáo giao dịch liên kết).
- Thời hạn báo cáo: cùng với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan thuế.
- Hệ quả pháp lý của việc không thực hiện: doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng phải nộp báo cáo giao dịch liên kết nhưng không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp báo cáo theo quy định.
2.4. Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia: những doanh nghiệp là công ty mẹ tối cao tại Việt Nam hoặc có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài thuộc một số trường hợp theo quy định có trách nhiệm nộp báo cáo này.
- Thời hạn báo cáo: chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của công ty mẹ tối cao.
- Cơ quan tiếp nhận: cơ quan thuế.
- Hệ quả pháp lý của việc không thực hiện: doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhưng không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
+ Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp báo cáo theo quy định.
3. Báo cáo về lao động
3.1. Báo cáo tình hình sử dụng lao động: gồm báo cáo 6 tháng đầu năm và hằng năm
- Thời hạn báo cáo:
+ Báo cáo 6 tháng đầu năm: trước ngày 05 tháng 6;
+ Báo cáo hằng năm: trước ngày 05 tháng 12.
- Cơ quan tiếp nhận: (i) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; (ii) cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi doanh nghiệp FDI đặt trụ sở chính; (iii) ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
- Hệ quả pháp lý của việc không thực hiện: doanh nghiệp FDI không nộp báo cáo tình hình sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
3.2. Báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động: gồm báo cáo 6 tháng đầu năm và báo cáo năm
- Thời hạn báo cáo:
+ Báo cáo 6 tháng đầu năm: trước ngày 05 tháng 7 hằng năm;
+ Báo cáo năm: trước ngày 10 tháng 01 năm sau.
- Cơ quan tiếp nhận: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp FDI đặt trụ sở chính.
- Hệ quả pháp lý của việc không hoặc chậm thực hiện: doanh nghiệp FDI không báo cáo định kỳ hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tai nạn lao động sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Báo cáo về lĩnh vực kinh doanh đặc thù
Báo cáo tình hình hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa: doanh nghiệp FDI được cấp phép thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa có trách nhiệm nộp báo cáo này.
- Thời hạn báo cáo: định kỳ hàng năm trước ngày 31 tháng 01.
- Cơ quan tiếp nhận: (i) Sở Công thương nơi cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ; (ii) Bộ Công thương; (iii) Bộ quản lý ngành.
- Hệ quả pháp lý của việc không thực hiện: doanh nghiệp FDI không thực hiện báo cáo theo quy định trong 24 tháng liên tiếp sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.
----------------------
Doanh nghiệp FDI cần chủ động chuẩn bị các nội dung báo cáo nêu trên và thực hiện báo cáo theo đúng thời hạn quy định để hạn chế rủi ro bị xử phạt vi phạm.
Để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về mặt pháp lý, Quý doanh nghiệp có thể liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau đây:
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH LA
Địa chỉ: Phòng D14, Lầu 2, 40 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3930 6949
Email: thaianh.luong@la-vn.com